Cây xanh đường phố: Từ câu chuyện hạ tầng kỹ thuật …
Hiện nay, cây xanh đường phố được xếp vào nhóm sử dụng công cộng trong đô thị nhưng chỉ tiêu đất cây xanh sử dụng công cộng lại chỉ tính theo chỉ số đất dùng để xây dựng công viên, vườn hoa công cộng. Quy định như vậy vừa bỏ qua giá trị liên kết sinh thái quan trọng của cây xanh đường phố, vừa thiếu động lực để phát triển loại hình cây xanh trong đô thị.
Nhiều phương tiện truyền thông đã đề cập rằng đất cây xanh trong khu trung tâm TP.HCM đang rất thiếu, song cảm nhận thực tế thì khu vực này lại “xanh” hơn rất nhiều so với những khu vực đô thị mới phát triển. Một ví dụ minh họa khá điển hình là trường hợp của quận 3 trong khu trung tâm TP. Theo ranh giới hành chính thì quận 3 không có công viên như quận 1 cạnh đó, vậy mà khảo sát từ ấn tượng của du khách thì quận 3 lại là một trong những quận “xanh” bậc nhất TP. Vì sao lại có nghịch lý này? – Đó chính là giá trị cảnh quan, sinh thái từ hệ thống cây xanh đường phố mà trải qua quá trình lịch sử, quận 3 đã tích lũy được một nguồn vốn cây xanh rất lớn, đa dạng, tạo ra một bầu không khí trong lành, xanh mát cho không gian đô thị. Người ta hay lưu truyền câu nói rằng “ăn quận Năm, nằm quận Ba, la cà quận Một” để ca ngợi những giá trị đô thị đặc trưng của ba khu vực tiêu biểu trong trung tâm lịch sử TPHCM. Theo người viết, có lẽ giá trị để quận 3 trở thành nơi ở lý tưởng không chỉ là ở đây nhiều nhà biệt thự là mơ ước về biểu tượng cho sự thịnh vượng, giàu có, mà chính là ở chỗ nơi đây không khí trong lành, con người sống chan hòa với cây xanh, tạo ra “phong thủy” tốt cho người lưu trú. Bản thân giá trị “phong thủy” của mạng lưới cây xanh đường phố ấy cần được lưu ý, bảo tồn và phát huy nó bằng các giải pháp thiết kế cảnh quan đô thị phù hợp, duy trì vị thế nơi chốn lý tưởng trong lòng TP.

Quận 3 “xanh” dù không có diện tích đất công viên
Xét từ khía cạnh ưu thế này của loại hình cây xanh đường phố, nên chăng cần đề xuất xây dựng tiêu chuẩn số lượng cây xanh thân gỗ trên đầu người, bao gồm cả cây xanh đường phố, cụ thể hơn về số lượng cây đại mộc, trung mộc và tiểu mộc. Việc này có thể làm nền tảng rõ ràng hơn cho việc phát huy trách nhiệm của người dân, từ phong trào trồng đến chăm sóc cây xanh nói chung, cũng như cho cây xanh đường phố nói riêng. Thậm chí, còn có thể cho phép các công dân xung phong đăng ký theo dõi, chăm sóc một hoặc một vài địa chỉ cây xanh cụ thể, để làm nguồn lực hỗ trợ cho chính quyền trong việc quản lý, phát triển mảng xanh sinh thái, từ khi bắt đầu trồng, đến chăm sóc bảo dưỡng hàng ngày, hàng tháng, hàng năm, đến khi cần phải “chữa bệnh” hoặc phải đốn hạ để trồng thay cây khác. Như vậy, chúng ta cũng có thể phát huy nguồn lực để phát triển mảng xanh đô thị, đặc biệt là cây xanh đường phố trên bình diện chung.
Thứ hai, việc trồng cây xanh dọc đường phố là cơ hội cho loại hình cảnh quan dạng trục tuyến, vốn phân bổ xuyên suốt các khu vực chứ không chỉ riêng loại hình tập trung ở một khu vực như công viên, vườn hoa. Và tuyến trục cây xanh cảnh quan này sẽ đóng vai trò là tuyến liên kết sinh thái liên tục, tạo thành những đường mái vòm xanh cho con người và phát triển hệ sinh thái đô thị.
Thứ ba là mối liên hệ giữa cây xanh đường phố với các hệ thống hạ tầng kỹ thuật của TP. Thành tựu ngầm hóa hệ thống điện, thông tin liên lạc của TP nhiều năm qua rất đáng ghi nhận, song cũng cần tìm ra giải pháp để ứng xử với các rễ cây cao lâu năm của TP. Có thể nói, cây có không gian sở hữu riêng trên cao và cả dưới lòng đất mà trong thuật ngữ về cây xanh khoảng là khoảng “drip-line”, đường chiếu của tán cây xuống bề mặt vỉa hè mà đúng ra là không được xâm phạm.
Xét riêng ở TP. HCM thì cây xanh đường phố có trước khi có lát vỉa hè cứng, có trước hệ thống điện, nước, thông tin liên lạc, có trước cả tường rào của một số khu vực kiến trúc. Vậy thì, toàn bộ không gian vỉa hè trước đây vốn toàn bộ là của cây xanh, nay thì bị lùi lại, cắt giảm bớt mà không hề có khoản “đền bù giải tỏa” nào. Rễ cây vốn đang tỏa tròn, bám chặt vào lòng đất, đất tơi xốp dễ thấm nước (do chưa có bị bê tông hóa vỉa hè, chưa có nhiều phương tiện giao thông đi lại nén chặt đất), lại được nước mưa cung ứng thoải mái, cành tán cũng không bị vướng với những công trình cao tầng xung quanh. Các cây trồng sau giai đoạn bùng nổ phát triển đô thị hóa sẽ rất khó có điều kiện phát triển tốt, mạnh như trước đây. Đất bị nén chặt, nước mặt bị phân tán vào hệ thống cống cứng, mực nước ngầm sụt giảm, tính liên kết hệ thống từng như rừng nay cũng không còn.
Hiện nay, tiêu chuẩn của Việt Nam chúng ta vẫn cho trồng cây bên trên hệ thống đường ống hạ tầng kỹ thuật với điều kiện đảm bảo khoảng cách: “Cây xanh được trồng cách mạng lưới đường dây, đường ống kỹ thuật (cấp nước, thoát nước, cáp ngầm) từ 1m – 2m”. Khoảng cách là phù hợp, song vẫn cần có tiêu chuẩn và hướng dẫn cụ thể hơn để tạo điều kiện tốt cho cây phát triển như một hệ thống sinh thái bền vững.
Ngoài các cây xanh vỉa hè vốn có được cải tạo lại trong quá trình phát triển, các khu vực đô thị mới cũng dành cho cây xanh một khoảng không phát triển rất hạn hẹp. Vỉa hè loại lớn cỡ 6-8m như ở các trục đường chính trước đây như Nguyễn Huệ, Lê Lợi, 3 tháng 2… giờ đây rất hiếm.
Vì lý do tấc đất, tấc vàng, các vỉa hè mới sau này chỉ được thiết kế với bề rộng 3-4m. Vậy thì có bao nhiêu khoảng không dành cho cây xanh? – Câu trả lời là: Rất ít. Hình minh họa ở khu đô thị Vinhomes Golden River (Ba Son), vỉa hè chỉ dành cho vệt cây xanh rất hẹp, mà lại trồng những cây bứng sẵn, đường kính gốc lên tới 30 – 40cm. Điều này rất hạn chế sự phát triển của cây trong tương lai. Thậm chí có dự án mới vẫn chấp nhận việc có những cây xanh phải trồng phía trên đường ống thoát nước đô thị (dù có cách khoảng đệm đất cát) để dành diện tích cho việc xây công trình đem lại lợi nhuận kinh doanh.
...