Xin chào các độc giả và đồng nghiệp đang quan tâm và làm việc trong lĩnh vực cảnh quan. Bài viết này là khởi đầu của một chuỗi các bài viết sẽ nói sâu hơn về các yếu tố của sinh lý và những tác động của môi trường tự nhiên có thể làm ảnh hưởng tới sự sinh trưởng và phát triển của cây cảnh quan.
Khác với nông nghiệp và trồng trọt, các loại cây được sử dụng trong những lĩnh vực này thường được nghiên cứu rất kỹ lưỡng và có quá trình chăm sóc gần như hoàn thiện từ lúc gieo hạt cho đến khi thu hoạch sản phẩm mong muốn. Cây cảnh quan lại rất đa dạng về mặt chủng loại. Điểm giới hạn duy nhất để một loại cây có thể được sử dụng làm cây cảnh quan có thể nói là trí tưởng tượng của con người. Một mảnh ruộng lúa nhỏ trong một khu nghĩ dưỡng cao cấp cũng có thể mang đến một hiệu ứng không ngờ tới; Một bờ cỏ lau chạy dọc theo một hồ nước, hay bất kỳ một ngọn cỏ nằm bên đường vô tình lọt vào tầm ngắm của một người làm vườn cũng có thể hoàn toàn thay đổi số phận nó.
Để nắm rõ sự sinh trưởng và phát triển của từng loại cây sử dụng trong cảnh quan là điều gần như không thể. Người làm cảnh quan vì thế cần tìm hiểu và nắm bắt các kiến thức cơ bản về sinh lý của thực vật nói chung và áp dụng một cách tinh tế trong các trường hợp cụ thể. Kiến thức kết hợp với kinh nghiệm bản thân sẽ giúp bạn trở thành một người làm vườn chuyên nghiệp và nổi trội.
Vậy sinh lý cây cảnh quan hay sinh lý thực vật nói chung là gì?
Có một nhà giáo đã từng nói: thực vật cũng giống như động vật đều là sinh vật, mà đã là sinh vật thì một khi dấn thân vào sự sống thì chỉ có con đường tiến chứ không có đường lui. Kể từ thời điểm hạt thức giấc để chuẩn bị nảy mầm thì các quá trình sinh lý đã bắt đầu. Có ba hoạt động cơ bản ở thực vật thuộc về sinh lý đó là:
- Sự hấp thu và vận chuyển các chất (nước, chất dinh dưỡng);
- Sự biến dưỡng (có thể hiểu là sử dụng các chất được hấp thu như thế nào, tạo ra những gì); và
- Sự phát triển (ra hoa, kết trái).
Có rất nhiều nguyên lý cũng như các điểm tương đồng của các quá trình này mà việc hiểu biết nó giúp tạo rất nhiều thuận lợi cho người làm cảnh quan. Một vài ví dụ có thể thấy như:
Nếu bạn muốn cây có nhiều lá thì phải kích rễ, nước được hấp thu từ rễ chủ yếu dùng vào việc thoát hơi nước ở lá. Điều này đặc biệt quan trọng để tạo một cột áp liên tục từ rễ đến ngọn. Một con đường giao thông không bao giờ dừng. Nếu như rễ không hút đủ nước thì cây sẽ không tạo thêm lá để tránh bị mất nước và chết. Tương tự khi bạn đào để di chuyển một cây, việc bạn cần làm là cắt tỉa bớt lá, vì bộ rễ bị tổn thương thì sẽ không cung cấp đủ nước cho lượng lá mà nó đang có.
Bón phân đạm thường rất tốt cho sự sinh trưởng của cây, nhưng quá nhiều đạm thì sẽ ức chế quá trình phát triển. Thực tế có thể thấy, các cây quá xanh tốt thì sẽ cho hoa yếu, thậm chí là không có hoa.
Sự thiếu hụt các chất vi lượng có thể gây ra các biểu hiệu dễ bị hiểu nhầm là bệnh do nấm như lá trên cây chuyển màu vàng, rụng lá, lá xuất hiện vết đốm...
Bằng cách tìm hiểu về sinh lý chúng ta sẽ có cái nhìn sâu hơn về cây cối, những gì đang diễn ra phía trong chúng, những gì có vẻ như không đúng với lẽ thường và các nguyên nhân có thể gây ra điều đó. Từ đó việc đưa ra phương án giải quyết vấn đề sẽ tập trung hơn và không phải bỏ sót bất kỳ một nguyên nhân nào. Việc này giúp tiết kiệm thời gian và chi phí cho công tác bảo dưỡng cảnh quan.
Các bài viết tiếp theo của mình sẽ đi sâu hơn vào từng khía cạnh của các vấn đề sinh lý cây trồng trong cảnh quan, các bạn quan tâm hãy theo dõi chuỗi bài này nhé 🙂