Bất kể bạn là quản lý doanh nghiệp, người phụ trách tuyển dụng hay là quản lý trực tiếp, thì vấn đề đảm bảo an toàn lao động là trách nhiệm hàng đầu mà bạn cần lưu tâm bên cạnh các vấn đề chuyên môn.
Ngành Cảnh quan là một nghành nghề nguy hiểm khi bạn phải làm việc trong nhiều điều kiện thời tiết khác nhau, di chuyển liên tục, cũng như thường xuyên sử tiếp xúc với các loại hóa chất và trang thiết bị nguy hiểm... Bên cạnh việc đảm bảo cung cấp đầy đủ các trang bị bảo hộ cũng như các khóa huấn luyện an toàn, thì các yếu tố bệnh lý và vấn đề sức khỏe của nhân viên cũng cần được lưu tâm.
Ngay từ khi tuyển dụng hoặc tiếp xúc lần đầu với các thành viên trong đội của mình, bạn nên trao đổi cụ thể để tìm hiểu thêm về những vấn đề sức khỏe mà họ (thường là) không đề cập đến trong hồ sơ cá nhân, nhưng lại có thể gây ảnh hưởng rất lớn đến an toàn và hiệu quả làm việc trong tương lai.
Bài viết này sẽ đề cập đến một số vấn đề sức khỏe có thể trở thành "bom nổ chậm" nếu không được quan tâm đến.

1. Các vấn đề về tim - mạch
Những vấn đề về tim - mạch như bệnh huyết áp hay đường huyết... có thể gây ra nhiều vấn đề nghiêm trọng khi nhân viên làm việc trong thời gian dài dưới điều kiện nắng nóng, điều này càng đặc biệt đúng đối với các nhân viên phải vận hành máy hay mang vác nặng. Ngất xỉu, hay thậm chí là đột quỵ là những biểu hiện phổ biến của những người có vấn đề về tim - mạch khi làm việc trong ngành cảnh quan.
Một vấn đề liên quan đến tim - mạch khác ít gặp hơn đó chính là người lao động có sử dụng các thiết bị hỗ trợ như máy tạo nhịp tim. Những thiết bị nhạy cảm này có nguy cơ bị trục trặc khi làm việc gần các máy móc hay khu vực có phát ra điện trường mạnh. Hoặc thậm chí là hết pin nếu người lao động không tuân thủ quy định bảo trì thiết bị (thường là cần can thiệp y tế để thực hiện các phẩu thuật thay thế pin định kỳ)
2. Dị ứng
Có rất nhiều loại dị ứng có thể gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến người làm việc trong ngành cảnh quan, bao gồm:
Dị ứng phấn hoa hay mùi của một số loài cây nhất định.
Dị ứng bởi dịch tiết của một số loại côn trùng, ví dụ như nọc ong.
Dị ứng một số loại hóa chất có trong nhiên liệu, phân bón hay thuốc bảo vệ thực vật.
Dị ứng khi tiếp xúc với một số loại vật liệu nhất định, ví dụ như cao su.
Các biểu hiện của dị ứng có thể đi từ nhẹ như nhảy mũi, đến phát ban và nổi mẫn trên da, thậm chí là suy hô hấp và tử vong, tùy theo mức độ tiếp xúc.
3. Sợ độ cao
Một số công việc đòi hỏi bạn phải làm việc trên cao. Cho dù với đa số mọi người, làm việc trên ban công của một tòa nhà 5 tầng chỉ là việc dễ như ăn bánh, nhưng có một số khác lại không thể đứng vững khi chỉ cách mặt đất 3m.
Sợ độ cao (Acrophobia) là một tình trạng sức khỏe tâm thần khiến một người cảm thấy sợ hãi một cách dữ dội và vô lý khi đối mặt với những vấn đề liên quan đến độ cao, bao gồm cả những công việc hàng ngày như leo lên thang, đi qua cầu, đứng trên ban công...
Điều này khác với việc một người không biết leo trèo hoặc do tình trạng vật lý của cơ thể khiến họ không thể thực hiện các công việc leo trèo. Những vấn đề đó có thể được cải thiện thông qua luyện tập hoặc trang bị bảo hộ. Tuy nhiên, trong mọi trường hợp, bạn cần xác định xem nhân viên của mình có bất cứ vấn đề nào đối với các công việc trên cao hay không nhằm phòng tránh các tai nạn không đáng có.
4. Động kinh
Động kinh (Epilepsy) xảy ra khi các hoạt động của não bộ hoạt động bất thường khiến bệnh nhân không thể kiểm soát được hành vi cơ thể, trong nhiều trường hợp là co giật và mất nhận thức. Bệnh không thể chữa khỏi và sẽ đi theo người bệnh suốt đời. Quan trọng hơn, biểu hiện của bệnh có thể xảy ra bất cứ lúc nào.
Hãy tưởng tượng chuyện gì xảy ra khi nhân viên của bạn lên cơn động kinh khi đang làm việc trên cao, bên cạnh hồ nước, hoặc nơi có nhiều nhiều phương tiện qua lại? - Hậu quả còn có thể nguy hiểm hơn nếu nhân viên của bạn được bố trí làm việc một mình và ở nơi ít người lui tới.
5. Tình trạng sức khỏe suy yếu do bệnh lý hoặc hậu quả của việc sử dụng thuốc/chất kích thích
Đây là các vấn đề sức khỏe phổ biến có thể xảy ra với bất kỳ ai, bất kỳ lúc nào. Ngoài việc ảnh hưởng đến năng suất làm việc, tình trạng này có thể khiến nhân viên mất tập trung, quan sát kém, khả năng phản xạ chậm hoặc thao tác thiếu chính xác. Những điều này có thể gây ra những sự cố hoặc tai nạn không mong muốn, đặc biệt là khi nhân viên còn có một số bệnh nền như tim - mạch, động kinh...
6. Bệnh truyền nhiễm
Có rất nhiều bệnh truyền nhiễm lây truyền qua hô hấp hoặc dịch cơ thể (bao gồm mồ hôi, chất nôn, máu...) Một số chúng có thể là bệnh thông thường có thể điều trị khỏi trong vài ngày, nhưng một số khác có thể để lại biến chứng kéo dài, thậm chí nguy hiểm đến tính mạng. Một số bệnh nguy hiểm có thể kể đến như HIV/AIDS, viêm gan siêu vi, hay như COVID-19 vừa qua.
Nguy cơ lây nhiễm không chỉ tồn tại giữa những người làm chung với nhau, mà đôi khi còn do tiếp xúc với những khách hàng mang mầm bệnh, hoặc bất cẩn trong việc xử lý các dịch cơ thể có trên hiện trường (ví dụ: không sử dụng bao tay khi vệ sinh chất nôn trong bồn cây)
Nếu bạn xem nhẹ vấn đề này, "đội quân" của bạn có thể sẽ đột nhiên "mất sức chiến đấu" vào một ngày nào đấy, và bạn sẽ phải đối mặt với hàng loạt phàn nàn từ phía khách hàng do không đảm bảo tiến độ, cũng như các vấn đề liên quan khác.
Những điều cần làm để hạn chế rủi ro
Trao đổi thẳng thắn với nhân viên để tìm hiểu các vấn đề sức khỏe của họ và bố trí các công việc phù hợp theo khả năng. Cần lưu ý rằng, nhân viên có thể che dấu tình trạng bệnh lý của bản thân vì lo sợ không được tuyển dụng hay bị sa thải. Nhưng đây cũng là một cơ hội cho việc xây dựng lòng tin trong tổ chức của bạn.
Hạn chế việc bố trí nhân viên làm việc một mình và ở những nơi ít người qua lại. Trong một số trường hợp bắt buộc phải làm việc một mình, giám sát trực tiếp cần thống nhất phương thức liên lạc với nhân viên để cập nhật tình trạng công việc, cũng như thường xuyên kiểm tra những nhân viên làm việc một mình theo một khoảng thời gian định trước. Điều này không chỉ giúp ích cho việc kiểm soát hiệu suất làm việc, đồng thời đảm bảo có thể phát hiện kịp thời khi có sự cố xảy ra.
Trao đổi với nhân viên hàng ngày để nắm tình trạng sức khỏe của họ. Cho nhân viên nghỉ hoặc bố trí công việc phù hợp nếu họ có các triệu chứng sức khỏe do bệnh lý hoặc sử dụng thuốc/chất kích thích.
Đối với những nhân viên đang điều trị bằng thuốc (hen suyển, cao huyết áp...), cần đảm bảo rằng họ luôn mang theo thuốc bên cạnh, cũng như đồng nghiệp của họ biết họ để thuốc ở đâu và các sử dụng chúng như thế nào. Trong trường hợp nhân viên phát bệnh đột ngột, đồng nghiệp sẽ có thể giúp họ uống thuốc.
Tổ chức các hoạt động tập huấn sơ cấp cứu định kỳ để nhân viên làm quen với việc xử lý tình huống, cũng như trang bị đầy đủ các túi sơ cứu chứa các vật dụng và thuốc cần thiết cho một số trường hợp khẩn cấp.
Trang bị đầy đủ đồ bảo hộ lao động phù hợp với từng công việc cụ thể. Đảm bảo nhân viên luôn sử dụng chúng trong suốt thời gian làm việc.
Tuân thủ các quy trình xử lý đối với các bệnh truyền nhiễm, bao gồm cả việc cách ly người lao động cũng như tiêu hủy các dịch cơ thể đúng cách.
Bạn nghĩ sao về bài viết này? Bạn có kinh nghiệm nào đối với các vấn đề mà bài viết đề cập đến không? Nếu bạn có bất kỳ bổ sung hoặc chia sẻ nào liên quan đến nội dung bài viết, đừng ngại chia sẻ cho mọi người nhé, vì biết đâu có người sẽ cần đến chúng trong một lúc nào đó.
Thân.