Được đặc trưng bằng các khối đá, cát và sỏi nhằm mô phỏng mặt nước và các đặc điểm tự nhiên khác, Karesansui - (枯山水 - Khô sơn thủy, cảnh quan khô) là hình mẫu tiêu biểu của một khu vườn Nhật. Những khu vườn đá này còn được mọi người biết đến với tên gọi là vườn Thiền, với một lịch sử tồn tại phong phú từ thế kỷ 12.
Tuy nhiên, những khu vườn đá ngày nay không chỉ là những bản sao tĩnh của kiến trúc cảnh quan truyền thống, mà còn là sự biểu hiện của việc phát triển không ngừng trong tư tưởng Thiền, được tìm thấy ở khắp mọi nơi từ những sân chùa cổ kính đến các khu vườn hiện đại. Hãy cùng CQVN tìm hiểu thêm về nguồn gốc của những khu vườn yên tĩnh giúp kích thích tư duy này, để có thể trao đổi và truyền thêm cảm hứng cho những khách hàng đang mong muốn sở hữu chúng.
Ảnh: Scott Willsey
Nguồn gốc những khu vườn đá
Những mô tả cổ xưa nhất về những khu vườn đá được tìm thấy trong Sakuteiki (作庭記 - Tác đình ký, Ghi chép về việc xây dựng vườn) được viết vào cuối thời Heian (thế kỷ 11). Theo đó, "Một khu vườn của những khối đá được sắp xếp lại với nhau mà không có bất kỳ hồ nước hay dòng suối nào thì được gọi là một vườn khô, nó diễn tả một cảnh quan tự nhiên được phủ đầy nước nhưng lại không có sự hiện diện thực sự của nước".
Chúng ta không biết chính xác kiểu khu vườn này trông như thế nào, bởi vì những khu vườn từ thời kỳ đó đã không còn tồn tại. Tuy nhiên, các phương pháp làm vườn sau này của Nhật Bản lại chịu ảnh hưởng nặng nề của triết học Thiền, vốn chưa được phổ cập rộng rãi ở Nhật Bản vào thời điểm Sakuteiki được viết ra. Vì thế, những khu vườn trong bản ghi mô tả có thể hơi khác biệt so với những hiện thân của chúng sau này. Tuy nhiên, rõ ràng là đặc điểm chính của một khu vườn đá - tạo ra hình ảnh của nước trong một cảnh quan khô - đã tồn tại.
Ảnh: jpellgen (@1179_jp)
Hai yếu tố đã ảnh hưởng đến sự tiến hóa của chúng thành những biến thể hiện đại ngày nay bao gồm:
1. Giáo lý Thiền (Zen)
Yếu tố đầu tiên là sự truyền bá tư tưởng Thiền trên khắp Nhật Bản. Trường phái Phật giáo này xuất phát từ Trung Quốc và phát triển mạnh mẽ ở Nhật Bản từ thời Kamakura đến thời Edo (cuối thế kỷ 12 đến đầu thế kỷ 16).
Khu vườn đá hoàn chỉnh đầu tiên được Muso Soseki (1275-1351) - người có vị trí quan trọng trong lịch sử làm vườn Nhật Bản - tạo ra trong ngôi đền Thiền Saihoji ở Kyoto.
Nhà sư chuyên làm vườn này đã được triệu tập để tái thiết ngôi đền Saihoji - trước đây được dành riêng cho một trường phái Phật giáo khác, Phật giáo Tịnh độ - vốn gần như bị bỏ hoang, thành một ngôi chùa Thiền. Việc xây dựng lại kéo theo nhiều thay đổi, bao gồm cả những sửa đổi đối với khu vườn. Ông đã quyết định tạo một khu vườn đá để làm nơi tu Thiền cho các nhà sư. Đá giữ một vị trí đặc biệt trong tư tưởng Thiền như là biểu hiện của lực lượng tự nhiên, và có một thực hành liên quan đến việc chiêm ngưỡng đá như một cách để nhận thức về thứ vô hình.
2. Các loại hình nghệ thuật
Yếu tố thứ hai dẫn đến sự phát triển của vườn đá thời hiện đại là ảnh hưởng của các loại hình nghệ thuật bonkei (盆景 - Bồn cảnh, Bonsai hay Non bộ) và sansuiga (山水画 - Sơn thủy họa, Tranh phong cảnh). Bonkei là thực hành sắp xếp cát, đá và thực vật thu nhỏ trên khay để tạo ra một bản sao thu nhỏ của khung cảnh thiên nhiên; Xuất phát từ bonkei mà truyền thống cây cảnh nổi tiếng của Nhật Bản đã phát triển. Những chiếc khay như vậy được trưng bày trong các lễ kỷ niệm như một vật trang trí cho nội thất của một ngôi nhà. Sansuiga là một phong cách vẽ tranh phong cảnh rất phổ biến trong giới thiền sư. Cả hai loại hình nghệ thuật đều ảnh hưởng đến thẩm mỹ và bố cục của các khu vườn đá.
Ảnh: Mando Gomez
Sự tiến hóa
Hai yếu tố kể trên đã dẫn đến sự phát triển của loại hình sân vườn đá hiện nay. Hình thức mới này cũng rất phù hợp với sự ra đời của phong cách thẩm mỹ wabi-sabi (侘寂 - sá tịch), hay chính là sự đánh giá cao tính không hoàn hảo, vô thường và không đầy đủ.
Các khu vườn đá theo đó cũng bắt đầu được chấp nhận bên ngoài các ngôi đền Thiền khi ngay cả các samurai và thương gia cũng bắt đầu tạo ra những khu vườn của riêng họ. Tuy nhiên, vào giữa thời kỳ Edo (1603–1867), những khu vườn theo chủ nghĩa tự nhiên với sự yêu thích đối với các loài thực vật sống đã đánh cắp sự chú ý trong một thời gian.
Những khu vườn đá trải qua sự hồi sinh trong thời kỳ Showa (thế kỷ 20), khi người làm vườn kiêm sử gia Mirei Shigemori (1896-1975) tạo ra hơn 200 khu vườn vượt thời gian. Mặc dù tuân theo các quy tắc sắp xếp đá truyền thống, các khu vườn của ông không hề bắt chước một cách mù quáng những cách thức cũ. Thay vào đó, ông đã kết hợp những sáng tạo của riêng mình và thẩm mỹ hiện đại với các hình thức truyền thống.
Biểu tượng
Các vườn đá rất giàu biểu tượng, rất nhiều trong số chúng phản chiếu đến Thiền và các triết lý Trung Hoa cổ đại. Do đó, cần phải hiểu lớp ý nghĩa này để có thể đánh giá toàn diện những khu vườn hơn là chỉ xem chúng như một tập hợp các khối đá.
Ví dụ, có nhiều khu vườn có chứa đựng horai-jima , một đại diện cho hòn đảo không thể tiếp cận của những người bất tử trong truyền thuyết Trung Hoa. Thường sẽ có những khối tsuru-jima và kame-jima nhỏ hơn, tượng trưng cho sự trường thọ, được đặt liền kề ngay bên cạnh.
Những khối đá nhỏ đại diện cho những con tàu chở kho báu, chúng là biểu tượng của vận may và sự giàu có, thường được bố trí tại 1 điểm với phần cuối hướng về hòn đảo của người bất tử, và cũng rất thường bắt gặp trong những khu vườn như thế. Chúng đều cùng hướng về hòn đảo để giành lại kho báu hoặc trở về nhà với chiến lợi phẩm. Tải trọng của chúng được quy định bởi chiều cao của chúng trên sóng cát.
Ryumon-bakuRigyo-seki, được đặt tên theo truyền thuyết về thác Ryumon (Long Môn) trên sông Hoàng Hà, là một biểu tượng của Thiền. Theo truyền thuyết, bất kỳ con cá chép nào vượt qua được thác nước sẽ lập tức hóa rồng và bay về trời. Đây cũng là nguồn gốc của biểu tượng koinobory (cờ cá chép) của Nhật Bản. Giáo lý Thiền sử dụng câu chuyện này để giải thích về thái độ mà một người tu tập cần có để có thể đạt được sự giác ngộ.
Trong hình dưới đây, cát đại diện cho sông Hoàng Hà, những gợn sống đại diện cho tháng nước, và tảng đá đại diện cho cá chép. Biểu tượng này cũng được kết hợp trọng vườn Saihoji, nơi mà những khối đá được sử dụng để phục vụ cho việc ngồi thiền.
Ảnh: Hiromichi Torihara
Các hình mẫu của nước
Mô hình gợn sóng trên cát đại diện cho các con sóng được gọi là samon. Điều này bắt nguồn từ truyền thống trong thời đại Heian (794-1192) với việc bao phủ những không gian thiêng liêng bằng cát trắng. Dưới ảnh hưởng của bonkei, cát này được tạo hình dưới dạng sóng để tượng trưng cho nước.
Có rất nhiều hình mẫu của gọn sóng được sử dụng để tượng trưng cho sông hoặc biển. Ngay cả trong cùng 1 đại dương, bạn cũng có thể gặp những con sóng lớn và những ngọn sóng lăn tăn trên bề mặt nước. Cho dù những khối đá lớn thường bắt mắt hơn, bạn vẫn có thể giải trí bằng cách chiêm ngưỡng những hình mẫu của cát và đoán xem chúng đại diện cho loại nước nào.
Những hình mẫu thường được vẽ nên bởi thầy tu địa phương bằng cách sử dụng cào hoặc chổi. Người ta nói rằng Muso Soseki sẽ không để lại dù chỉ một hạt bụi trong vườn của mình. Ông tin rằng thói quen quét vườn phục vụ việc làm sạch đầu óc khỏi những suy nghĩ trần tục. Tương tự như vậy, việc vẽ những gơn sóng trên cát cũng hữu ích để làm dịu và thanh lọc tâm trí.
Ảnh: jpellgen (@1179_jp)
Vườn đá trong không gian hiện đại
Vườn đá đã trải qua một sự bùng nổ về sự phổ biến bên ngoài Nhật Bản. Nhưng chúng ít phổ biến hơn trong nước, mặc dù trong những năm gần đây, ngay cả những thế hệ trẻ cũng đang dần hướng sự chú ý trở lại với văn hóa truyền thống.
Miễn là bạn không nghĩ đến điều gì quá to tát, thì việc tạo ra một khu vườn bằng đá không phải là một nhiệm vụ bất khả thi. Tại sao không tạo ra một nơi dễ chịu cho khách hàng của bạn, để họ có thể dành thời gian nghỉ ngơi sau một cuộc sống bận rộn và tĩnh tâm lại tâm hồn của mình? Đừng lo lắng về việc vi phạm bất kỳ quy tắc nào: Những khu vườn này thay đổi theo dòng chảy của thời gian và không nhất thiết phải là bản sao của những khu vườn lịch sử. Di sản văn hóa của họ là tạo ra thứ gì đó chạm đến tâm hồn người xem đương đại, thay vì chỉ bắt chước quá khứ một cách mù quáng.
Ảnh: Shohei Yoshida
Mặc dù khu vườn trên không có khối đá lớn nào, nhưng nó có sự kết hợp của các gợn sóng cát, là một phần chính của văn hóa vườn đá. Hoa văn được thể hiện bằng các viên gạch lát chìm lẫn trong cát, điều này giúp cho việc bảo trì dễ dàng hơn vì không cần vẽ thủ công thường xuyên.
Thay vì đá, một độ dốc nhẹ tăng thêm thể tích cho khu vườn và thể hiện tầm nhìn ra thiên nhiên. Trồng cây theo mô hình phản ánh cách chúng có thể phát triển trong rừng làm cho khu vườn trông hoàn toàn tự nhiên.

Bạn có thể tạo ra khung cảnh tuyệt đẹp ngay cả trong một không gian hạn chế bằng cách chỉ sử dụng những chiếc đèn và khối đá nhỏ. Đặc điểm mà đá tượng trưng cho ao được gọi là kareike (ao khô). Một trong những lợi thế của chúng là chúng dễ dàng tạo ra và duy trì hơn so với các ao có nước thật.
Thêm vào một số loài cây bán cạn, ví dụ như Thủy xương bồ (Acorus calamus) giúp cho hình ảnh trở nên sống động hơn.
Lời kết
Không cần phô trương, những khu vườn đá mang một vẻ đẹp quyến rũ khó cưỡng. Những khu vườn đã được sử dụng trong nhiều thế kỷ để thực hành Thiền có thể chỉ là những gì chúng ta cần ngày nay nhằm nhắc nhở chúng ta, hãy dành một chút thời gian từ cuộc sống bận rộn và suy ngẫm về bản thân.
Bài viết được dịch lại dựa theo bài đăng An introdution to Japanese Stone Gardens của Kaori Fujiyama