Ngày nay, rất nhiều khách hàng hứng thú với vườn rau và cây ăn quả, canh tác bền vững, làm phân hữu cơ hoặc các hoạt động "sống xanh" khác. Kéo theo với xu hướng này chính là sự bùng nổ của "canh tác đô thị".
Nếu bạn có một khách hàng đang bắt đầu hứng thú với việc làm "nông dân thành phố" nhưng lại không biết chắc làm cách nào để tạo ra một khu vườn trên mái căn hộ của mình, hay trong khu vườn nhỏ ở một khu ngoại ô đông đúc, thì bài viết này sẽ giới thiệu khái quát một số điều có thể giúp bạn chia sẻ thông tin với khách hàng của mình.

Canh tác đô thị là gì?
Nói một cách đơn giản thì, thuật ngữ "canh tác đô thị" hay "nông nghiệp đô thị" chỉ những hoạt động cho phép khách hàng của bạn trồng và sản xuất thức ăn trong một thành phố, đô thị hoặc khu dân cư đông đúc. Đôi khi, khái niệm này bị nhầm lẫn với các khái niệm như "vườn rau cộng đồng", "vườn rau tự cung" hay "chăn nuôi cá thể"... về mặt ý nghĩa, chúng có thể khác nhau một chút. Và điểm khác biệt chính ở đây chính là với "canh tác đô thị", khách hàng của bạn có thể kiếm được tiền từ đó.
Trong khoảng 5 năm trở lại đây, công chúng đang trở nên quan tâm hơn trong việc tìm hiểu về nguồn gốc thực phẩm mà họ sử dụng, chúng được làm ra như thế nào, từ đâu... Điều này khiến cho mô hình canh tác đô thị trở nên hấp dẫn hơn.
Bất kể khách hàng của bạn định nghĩa về khái niệm "đô thị" như thế nào, thì thực tế là không có cách cụ thể nào để xác định về quy mô và vị trí của một trang trại đô thị, và mỗi trang trại có thể rất độc đáo theo các cách khác nhau phụ thuộc vào mong muốn của khách hàng.

Thiết lập
Khi tạo một trang trại đô thị cho khách hàng của mình, cần chú ý tìm hiểu về các quy định của địa phương để xem xét có bất kỳ loại cây nào được phép hay không được phép canh tác hay không, tương tự với các quy định về kinh doanh sản phẩm cũng như chứng chỉ ngành nghề.
Một khi đã xác lập được những điều được phép và khả thi, khi đó thì bạn cùng với khách hàng của mình mới có thể ngồi xuống để bắt đầu lên kế hoạch thiết kế. Không gian có thể đơn giản hay phức tạp tùy theo mong muốn của khách hàng, đó là nơi mà kinh nghiệm và chuyên môn của bạn phát huy hiệu quả. Hãy trao đổi với khách hàng của bạn về những mong muốn của họ, đảm bảo rằng những ý tưởng là thực tế và phù hợp với không gian cũng như năng lực con người.
Nếu khách hàng của bạn mong muốn có một không gian lớn cho hậu cần và bán sản phẩm về sau, hãy dành thời gian để trao đổi về việc bảo trì và các chi phí duy trì một không gian như thế. Nếu khách hàng của bạn muốn bắt đầu nhỏ và phát triển dần dần, hãy đề xuất cho họ vài phương án trồng có thể sinh lợi nhuận nhanh chóng để khuyến khích họ.
Như đã nói ở trên, những trang trại này có thể được thiết kế trong nhiều cách khác nhau, nhưng về cơ bản, chúng đều có những dãy các giá đỡ hoặc luống trồng. Đối với những trang trại xây dựng trong nhà, những hàng luống này thường có các đèn UV để mô phỏng ảnh hưởng của ánh sáng mặt trời.
Nếu khách hàng của bạn có không gian hạn chế nhưng vẫn muốn thử sức với canh tác đô thị, hãy trao đổi với họ về vườn đứng để tối đa hóa không gian trong khi vẫn đạt được những lợi ích của thực phẩm "nhà làm"

Những lợi ích
Theo Ecology Center (EC), có đến 10 lợi ích nổi bật đối với canh tác đô thị, và chúng ta sẽ chỉ đề cập đến một vài lợi ích chính ở đây.
Để bắt đầu, EC cho biết họ có thể giảm lượng khí thải carbon. Bởi vì sản phẩm được nội địa hóa, nó cắt giảm lượng tiêu thụ nhiên liệu hóa thạch cần thiết để đóng gói, vận chuyển và bán thực phẩm. EC báo cáo rằng để có một bữa ăn thì trung bình các nguyên liệu đã di chuyển tổng cộng 2.400 km từ vườn đến bàn ăn. Phương pháp canh tác này cũng cho phép khách hàng của bạn tương tác với những người trong cộng đồng của họ để mua và bán thực phẩm.
Tiếp theo, EC cho biết loại hình liên doanh này cho phép bạn, người làm cảnh quan, khả năng thỏa sức sáng tạo thiết kế của mình. Nó cũng mang lại cho bạn cơ hội thảo luận về các thách thức bạn sẽ gặp phải khi lắp đặt trang trại, giúp khách hàng có cơ hội đưa ra phản hồi của họ và cảm thấy gắn bó hơn với kết quả chung. Vì các trang trại đô thị có một chút khác biệt so với các trang trại truyền thống trong thiết kế, điều này đòi hỏi bạn phải nghĩ đến những cải tiến hiệu quả hơn.
EC cũng lưu ý rằng với canh tác đô thị, khách hàng của bạn có thể đóng góp tích cực vào sức khỏe của công chúng và cộng đồng xung quanh họ bằng cách cung cấp thực phẩm tươi, bổ dưỡng, có nguồn gốc địa phương. Khi giao dịch với một cộng đồng đa dạng, khách hàng của bạn chắc chắn có nhiều sản phẩm khác nhau để lựa chọn canh tác nếu những người hàng xóm của họ cũng quyết định tham gia vào lĩnh vực này.
Việc bổ sung một trang trại đô thị không chỉ mang lại cho khách hàng của bạn năng lực sản xuất lương thực mà họ mong muốn, nó còn mang lại lợi ích cho các khu vực xung quanh bằng cách phục vụ như một không gian xanh. Bất kể đó là diện tích nhỏ hay lớn, sự hiện diện của màu xanh của cây cối sẽ tạo thêm điểm nhấn thẩm mỹ cho khu vực, giúp giảm nước mưa chảy tràn và có thể giúp chống lại hiện tượng đảo nhiệt trong khu vực.

Nếu bạn có bất cứ câu hỏi hay chia sẻ nào về canh tác đô thị, hãy để lại phản hồi bên dưới để cùng trao đổi nhé.