Bài viết này là Báo cáo khoa học của TS. Nguyễn Hoàng Nghĩa công tác tại Viện Khoa học Lâm Nghiệp Việt Nam công bố vào năm 2007. Mình đăng lại để những bạn quan tâm có thêm cái nhìn mới về việc sử dụng cây bản địa ở trong nước và trên thế giới.
Cấu trúc báo cáo:
Mở đầu
Rừng tự nhiên của các nước nhiệt đới có mức độ đa dạng cao về các loài thực vật. Theo nhà khoa học Van Steenis (1971) thì vùng Đông Nam Á bao gồm cả Việt Nam, có tới 25.000 loài thực vật có hoa, chiếm 10% tổng số loài thực vật có hoa của thế giới, trong đó có tới 40% số loài là loài đặc hữu, nghĩa là chỉ gặp ở riêng vùng này mà thôi.
Hệ thực vật rừng Việt Nam cũng có tiếng là phong phú và đa dạng. Theo Viện Sinh thái và tài nguyên sinh vật (1993), chỉ riêng ngành Khuyết thực vật (Ptesidophyta), ngành Hạt trần (Gymnospermae) và ngành Hạt kín (Angiospermae) đã có khoảng 11.000 loài của trên 2.500 chi, trong đó có khoảng 7.000 loài thực vật bậc cao có mạch.
Do nhiều nguyên nhân khác nhau mà trong giai đoạn vừa qua, diện tích rừng của nước ta đã giảm đáng kể, với tốc độ khoảng trên dưới 100.000 ha/năm. Tỷ lệ che phủ của rừng giảm từ 40,7% (13,5 triệu ha rừng) vào năm 1943 (Maurand, 1943) xuống còn 27,1% vào năm 1980 và 26,2% vào năm 1985 (Bộ Lâm nghiệp, 1991). Nhiều tỉnh quan trọng ở miền núi phía Bắc như Sơn La, Lai Châu, Cao Bằng v.v. có tỷ lệ che phủ của rừng rất thấp, chỉ còn trên dưới 10%. Việc phục hồi, tái sinh rừng đang là một nhu cầu bức bách, nhất là cho những khu vực phòng hộ đầu nguồn, ven biển và để đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của xã hội, kể cả cho xuất khẩu.
Vai trò của các loài cây bản địa trong công tác trồng rừng là rất rõ ràng, song hiện tồn tại vô số nghịch lý ở tầm quốc tế và ở mỗi quốc gia, đòi hỏi các nhà nghiên cứu và quản lý sớm quan tâm, giải quyết.