Hoạt động định hướng (Mentorship) có thể mang lại rất nhiều lợi ích cho những người hướng dẫn (Mentor) và người được hướng dẫn (Mentee). Phát triển mối quan hệ dẫn dắt này có thể giúp cả hai bên học được những điều mới, mở rộng mạng lưới kết nối cũng như phát triển nghề nghiệp của bản thân.
Hiểu được những lợi ích của hoạt động định hướng có thể giúp ích cho bạn trong việc quyết định tìm kiếm cho mình, hoặc trở thành một người hướng dẫn.
Trong khuôn khổ bài viết này, mình sẽ chia sẻ những lý do tại sao có một người hướng dẫn lại quan trọng với bạn, đồng thời cũng đưa ra các lý do tại sao bạn nên trở thành một trong số họ.

Các khái niệm
Một Mentor hay Người hướng dẫn là người đóng vai trò như một cố vấn cho một người có ít kinh nghiệm hơn, thường được gọi là Mentee - người được dẫn dắt. Thông thường, mọi người có xu hướng tìm kiếm một người hướng dẫn là người làm trong cùng hoặc ở một lĩnh vực mà họ muốn hướng đến. Người hướng dẫn sẽ giúp họ trưởng thành và phát triển hơn trong nghề nghiệp bằng cách đưa ra các lời khuyên và định hướng dựa trên những hiểu biết và kinh nghiệm vượt trội của mình.
Mối quan hệ giữa họ là một hoạt động định hướng (mentorship) và thường hình thành thông qua các mạng lưới kết nối nghề nghiệp, các mối qua hệ cá nhân, hay những chương trình định hướng công khai.
12 lý do quan trọng của việc có một người hướng dẫn
Danh sách dưới đây liệt kê các minh họa tiêu biểu để chứng minh cho bạn tầm quan trọng của việc có một người hướng dẫn trong việc phát triển sự nghiệp của bản thân:
1. Người hướng dẫn hỗ trợ bạn phát triển
Người hướng dẫn cỗ vũ và tạo điều kiện cho bạn phát triển về mặt cá nhân lẫn nghề nghiệp. Một người hướng dẫn có thể giúp bạn tập trung các nỗ lực để phát triển bằng cách đặt ra các mục tiêu và đưa ra các phản hồi mang tính xây dựng.
Với những lợi ích đó, các doanh nghiệp khi muốn xây dựng và phát triển các kỹ năng cho nhân viên thường sẽ tạo ra các chương trình định hướng. Sự truyền đạt kiến thức của một người hướng dẫn có thể giúp huấn luyện và tạo ra một lực lượng lao động có chất lượng và năng suất cao. Đồng thời với đó, nhân viên cũng sẽ đánh giá cao những nơi làm việc luôn tạo cơ hội học tập cho mình, điều đó được nhìn nhận như là nhà tuyển dụng đang đánh giá cao nhân viên của mình và mong muốn thấy họ phát triển.
2. Những người hướng dẫn là các thư viện sống
Những người hướng dẫn có thể cung cấp các kiến thức chuyên sâu và thông tin cần thiết để tạo ra sự thành công cho bạn. Một ví dụ điển hình của việc này là họ thường đưa ra các chỉ dẫn để giúp bạn thực hiện các công việc cụ thể hay phát triển những kỹ năng hữu ích.
Bên cạnh đó, những người mới bắt đầu sự nghiệp có thể đạt được nhiều lợi ích từ những chỉ dẫn như vậy từ người hướng dẫn, như là chúng có thể giúp họ có thể làm quen với công việc nhanh hơn. Để ví dụ, một người hướng dẫn có thể giúp bạn bắt đầu công việc kinh doanh bằng cách chỉ cho bạn cách lập kế hoạch ban đầu và ngân sách dự kiến.
3. Người hướng dẫn giúp bạn tạo ra các mục tiêu
Người hướng dẫn có thể giúp bạn đặt ra các mục tiêu phát triển cá nhân hoặc nghề nghiệp của bản thân.
Để thiết lập mục tiêu hiệu quả, họ thường sử dụng biểu đồ SMART - Specific (cụ thể), Measurable (có thể đo lường được), Achievable (có thể đạt được), Relevant (có liên quan) và Timeable (có thời gian cụ thể). Những mục tiêu này có thể giúp bạn có định hướng để tập trung sự nỗ lực của mình, và người hướng dẫn cũng có thể theo dõi và đánh giá sự tiến bộ của bạn dễ dàng hơn.
Người hướng dẫn còn có thể giúp xác định các mục tiêu nhỏ để bạn hoàn thành nhằm phát triển các kỹ năng cụ thể, hoặc đáp ứng các ưu tiên riêng biệt, trước khi đạt được mục tiêu lớn hơn.
4. Người hướng dẫn giúp bạn duy trình trách nhiệm
Một người hướng dẫn có thể giúp bạn có trách nhiệm hơn với các mục tiêu của mình. Bằng cách theo dõi các quá trình, người hướng dẫn giúp bạn tập trung và đi đúng hướng để hoàn thành các mục tiêu đó. Họ cũng có thể đảm bảo rằng bạn không quên những mục tiêu mà mình đã đặt ra. Việc biết rằng có ai đó đang dõi theo mình có thể đóng vai trò như một động lực, vì bạn thường không muốn khiến người hướng dẫn mình thất vọng do không đạt được các mục tiêu.
5. Người hướng dẫn cho bạn sự khích lệ
Khi bạn thấy mình gặp khó khăn trong công việc hoặc theo đuổi các mục tiêu, bạn có thể tìm đến người hướng dẫn của mình để được hỗ trợ. Sự khích lệ này có thể thúc đẩy bạn tiếp tục tiến về phía trước bất chấp các thử thách.
Người hướng dẫn cũng có thể giúp bạn nhận ra các thế mạnh của mình để cảm thấy tự tin hơn. Điều này rất quan trọng vì nó giúp bạn có thêm động lực để không từ bỏ mục tiêu.
6. Người hướng dẫn giúp bạn gia tăng các kết nối
Một người hướng dẫn có thể giúp bạn xây dựng mạng lưới nghề nghiệp của mình. Khi bạn xác định được các mục tiêu cá nhân hay nghề nghiệp của bản thân, người hướng dẫn có thể kết nối bạn với các cơ hội tiềm năng hoặc những người có thể hỗ trợ thêm cho bạn. Vì những người hướng dẫn thường có nhiều kinh nghiệm trong ngành hoặc có chức vụ cao hơn bạn, nên những kết nối này có thể có giá trị cho sự thăng tiến nghề nghiệp của bạn trong tương lai.
7. Người hướng dẫn luôn sẵn sàng lắng nghe bạn
Khi bạn có những ý tưởng mới, bạn có thể liên hệ với người hướng dẫn để thảo luận hoặc thử nghiệm chúng. Người hướng dẫn có thể đưa ra những lời khuyên hoặc ý kiến khách quan dựa trên các kiến thức và kinh nghiệm có liên quan của họ. Với những hiểu biết này, bạn có thể hiểu rõ hơn những bước cần thiết để thực hiện các ý tưởng đó, và liệu có nên theo đuổi chúng hay không.
Tương tự, người hướng dẫn cũng có thể lắng nghe và tư vấn cho bạn về những mối quan tâm hàng ngày, chẳng hạn như xung đột tại nơi làm việc.
8. Người hướng dẫn là đồng minh đáng tin cậy
Niềm tin đại diện cho giá trị cốt lõi của các hoạt động định hướng. Bạn phải tin tưởng rằng người hướng dẫn của mình luôn dành sự quan tâm tốt nhất và sẽ cung cấp cho bạn những hướng dẫn chính xác và trung thực. Thế giới kinh doanh luôn có cạnh tranh, vì vậy bạn cần có một đó đủ tin tưởng để chia sẻ những bí mật và các thông tin riêng tư khi cần thiết. Liên lạc thường xuyên và luôn giữ lời là hai phương pháp cơ bản để thiết lập lòng tin trong các mối quan hệ này.
9. Người hướng dẫn giúp đưa ra các phản hồi mang tính xây dựng
Một mối quan đáng tin cậy cho phép đưa ra các phan hồi trung thực. Bằng cách thiết lập lòng tin, bạn có thể hiểu rằng những lời chỉ trích mang tính xây dựng là nhằm mục đích hỗ trợ cho sự phát triển nghề nghiệp của bạn hơn là để bạn cảm thấy sự thất bại của bản thân. Người hướng dẫn có thể giúp bạn xác định các điểm yếu của mình và tư vấn cho bạn cách cải thiện chúng.
Vì đây là mối quan hệ nghề nghiệp nên người hướng dẫn thường đóng vai trò khách quan. Trong khi một người bạn thì có thể sẽ ngần ngại chỉ ra các điểm yếu của bạn do họ không muốn tỏ ra là người hay chỉ trích.
10. Người hướng dẫn cung cấp các chỉ dẫn cần thiết
Nếu bạn mới bắt đầu sự nghiệp của mình, một người hướng dẫn có thể giúp thiết lập các chỉ dẫn cần thiết về các kỳ vọng nghề nghiệp của bạn. Ví dụ, họ có thể giúp làm rõ các ưu tiên của công việc và các hành vi phù hợp tại nơi làm việc. Những hướng dẫn này có thể giúp bạn thiết lập các thói quen làm việc phù hợp để bạn có thể tập trung và thực hiện thành công công việc của mình. Những thói quen này có thể giúp bạn làm việc hiệu quả hơn và tạo dựng được ấn tượng tốt với cấp trên.
11. Người hướng dẫn có nhiều kinh nghiệm liên quan
Nếu có thể, bạn nên chọn những người hướng dẫn có kinh nghiệm phù hợp với nghề nghiệp hoặc mục tiêu của mình. Khi người hướng dẫn truyền đạt những thành công của họ, bạn có thể sử dụng những điều đó như một ví dụ để phấn đấu và làm theo những bước họ đã thực hiện. Những người hướng dẫn cũng có thể chia sẻ những sai lầm mà họ đã mắc phải trong suốt cuộc hành trình của họ. Và bạn sẽ được hưởng lợi qua việc học được những bài học về tác động tiêu cực của những sai lầm đó mà không cần phải tự trải nghiệm hay gánh chịu hậu quả của nó. Học hỏi về những kinh nghiệm này cũng có thể giúp bạn chuẩn bị tốt hơn cho những thách thức mà mình có thể phải đối mặt, cũng như có được những lời khuyên hữu ích về cách vượt qua chúng.
12. Những người hướng dẫn có thể là nguồn tài nguyên miễn phí
Hoạt động định hướng thường diễn ra trong mạng lưới kết nối nghề nghiệp hoặc các chương trình của công ty, vì vậy người hướng dẫn thường không đặt nặng vấn đề thanh toán. Họ thường đề nghị thực hiện vai trò này bởi vì họ thực sự muốn giúp người khác phát triển và thiết lập những kết nối mang tính cá nhân cũng như đích thực hơn. Việc cung cấp các hướng dẫn miễn phí cũng giúp hoạt động định hướng có thể áp dụng cho tất cả mọi người, thay vì chỉ giới hạn trong những người có khả năng chi trả.

12 lý do bạn nên trở thành một người hướng dẫn
1. Trở thành người hướng dẫn giúp nâng cao kỹ năng giao tiếp cá nhân
Tương tác của bạn với những người mà bạn hướng dẫn mang lại nhiều cơ hội để thực hành và xây dựng các kỹ năng giao tiếp cá nhân cho bản thân, chẳng hạn như kỹ năng trao đổi thông tin, lắng nghe tích cực, đồng cảm và kiên nhẫn.
Giao tiếp đặc biệt cần thiết đối với hoạt động định hướng, vì bạn có thể phải thường xuyên gặp mặt để thảo luận về các mục tiêu, ý tưởng hoặc những mối quan tâm của người được hướng dẫn, cũng như đưa ra các chỉ dẫn hoặc lời khuyên phù hợp.
Ngoài hoạt động định hướng ra, thì kỹ năng giao tiếp cá nhân mạnh mẽ cũng có thể giúp bạn phát triển các mối giao tiếp và cộng tác hiệu quả hơn với những người khác.
2. Trở thành người hướng dẫn giúp bạn cũng cố kiến thức của bản thân
Khi làm việc với những người được hướng dẫn, bạn chia sẻ những kiến thức liên quan mà mình có được thông qua sự nghiệp hoặc kinh nghiệm của bản thân. Bạn tư vấn cho họ hoặc trình bày cách để thực hiện các nhiệm vụ cụ thể.
Ví dụ, bạn có thể dạy cho người được hướng dẫn phương pháp đàm phán của bạn và sau đó thực hành với họ.
Mặc dù mục đích là giúp người được hướng dẫn phát triển một cách chuyên nghiệp, nhưng việc chia sẻ kiến thức này sẽ củng cố kiến thức của bản thân bạn. Bạn có thể dạy họ những kỹ năng mà bạn không còn sử dụng thường xuyên nữa, vì vậy, làm điều này cũng có thể giúp bạn xây dựng lại hoặc củng cố chúng.
3. Trở thành người hướng dẫn giúp mở rộng mạng lưới kết nối của bạn
Bạn có thể giới thiệu người mình đang hướng dẫn với các liên hệ của bạn để giúp xây dựng mạng lưới kết nối của họ. Đổi lại, họ cũng có thể có những kết nối liên quan hoặc thú vị để chia sẻ với bạn. Mạng kết nối có thể hỗ trợ rất lớn sự nghiệp của bạn, vì những kết nối này có thể dẫn đến các cơ hội thăng tiến hay công việc mới.
Bạn cũng có thể tham gia các hiệp hội cố vấn chuyên nghiệp để gặp gỡ những người hướng dẫn khác. Những hiệp hội và mối quan hệ này có thể giúp bạn tìm hiểu thêm về các kỹ thuật hướng dânc và hỗ trợ lẫn nhau.
4. Trở thành người hướng dẫn có thể giúp bạn nhận được sự công nhận
Nếu người mà bạn hướng dẫn đạt được những thành công đáng kể, điều đó có thể chứng minh giá trị của bạn với người khác. Một phần thành công của họ là nhờ sự hướng dẫn của bạn, điều này có thể giúp các đồng nghiệp của bạn ghi nhận những kỹ năng và kiến thức mà bạn chia sẻ.
Những người khác có thể bày tỏ sự quan tâm đến việc cộng tác với bạn hoặc yêu cầu bạn trở thành người hướng dẫn cho họ. Ngoài việc khiến bạn cảm thấy mình đạt được sự thành công, danh tiếng hoặc lời khen ngợi tích cực còn có thể giúp bạn đến với nhiều cơ hội nghề nghiệp hơn.
5. Trở thành người hướng dẫn giúp xây dựng kỹ năng lãnh đạo
Một người hướng dẫn là một người lãnh đạo bởi vì bạn phải làm việc trực tiếp với một người nào đó để hướng dẫn họ phát triển nghề nghiệp. Thông qua sự hướng dẫn của bạn, họ hy vọng có được những kỹ năng hữu ích hoặc thăng tiến trong sự nghiệp. Kỹ năng lãnh đạo rất có giá trị đối với bất kỳ nghề nghiệp hoặc vai trò nào, vì vậy kinh nghiệm này chứng minh rằng bạn có thể quản lý người khác một cách hiệu quả nhằm đạt được các mục tiêu cụ thể. Bạn có thể sử dụng kinh nghiệm này để giúp thăng tiến sự nghiệp của mình.
6. Trở thành người hướng dẫn giúp gia tăng năng lực cạnh tranh của bạn
Dù bạn đang ở cấp độ nào trong sự nghiệp của mình, bạn có thể thêm kinh nghiệm dẫn dắt để nâng cao hồ sơ cá nhân của mình nhằm tạo sự khác biệt với các ứng viên khác. Kinh nghiệm này chứng tỏ rằng bạn có kiến thức quý giá để chia sẻ và có thể sử dụng nó để hướng dẫn người khác. Tham gia vào các hoạt động định hướng có thể cho thấy rằng bạn coi trọng việc xây dựng các mối quan hệ và giúp đỡ những người khác phát triển một cách chuyên nghiệp.
7. Trở thành người hướng dẫn giúp tạo ra cơ hội học tập cho bản thân
Mặc dù đóng vai trò là người dạy và tư vấn cho người mình hướng dẫn, bạn cũng có thể học được điều gì đó mới mẻ từ họ. Nếu bạn và người mà mình hướng dẫn có các nền tảng khác nhau, họ có thể dạy bạn về những điều bạn chưa từng trải qua trước đây. Ngay cả khi bạn có nhiều kinh nghiệm hơn trong ngành, người mà bạn hướng dẫn cũng có thể có những hiểu biết sâu sắc về các xu hướng hoặc thực hành mới nhất. Ví dụ: nếu người được bạn hướng dẫn trẻ và có kỹ năng công nghệ cao hơn, họ có thể dạy bạn cách sử dụng phần mềm mới.
8. Trở thành người hướng dẫn có thể giúp xây dựng sự tự tin cho bản thân
Khi bạn giúp người mình hướng dẫn thành công, bạn có thể tự tin vào kỹ năng và khả năng của bản thân. Nó chứng tỏ rằng bạn có những phẩm chất phù hợp để hỗ trợ việc cải thiện hoặc phát triển người khác. Sự tự tin này có thể giúp nâng cao giá trị nghề nghiệp và giá trị cá nhân của chính bạn.
Với sự tự tin đó, bạn có thể yên tâm hơn về tay nghề của mình và công việc hàng ngày mà bạn đang làm. Sự tự tin này là cần thiết khi bạn đàm phán với người giám sát để được thăng chức, tăng lương hoặc cho các cơ hội thăng tiến khác.
9. Trở thành người hướng dẫn có thể giúp bạn có thêm những góc nhìn mới
Hoạt động định hướng cho bạn một cơ hội để nhìn ra bên ngoài mạng lưới các kết nối thông thường của mình và có khả năng kết nối với những người rất khác với bạn. Ví dụ: bạn và người mà mình hướng dẫn có những nền tảng hoặc đến từ các thế hệ khác nhau. Khi bạn thảo luận về các ý tưởng hoặc tình huống, cả hai bạn đều có quan điểm và cách tiếp cận khác nhau. Lắng nghe quan điểm của người mà bạn hướng dẫn có thể giúp bạn có những suy nghĩ khác hoặc khám phá ra điều gì đó mà bạn chưa từng biết đến. Điều này có thể giúp đưa ra các giải pháp cải tiến hoặc sáng tạo hơn trong công việc.
10. Trở thành người hướng dẫn có thể mang lại cho bạn cảm giác thỏa mãn
Bên cạnh việc mang đến cho bạn sự công nhận hoặc các lợi ích bên ngoài khác, hoạt động định hướng có thể mang lại sự thõa mãn từ bên trong. Việc biết rằng mình đã tạo ra những tác động tích cực đến cuộc sống hoặc sự nghiệp của ai đó có thể khiến bạn cảm thấy dễ chịu. Nếu bạn thực hành các hoạt động định hướng này từ sớm trong sự nghiệp của mình, nó có thể tạo ra một cơ hội cho việc đáp đền nối tiếp. Vào một lúc nào đó, bạn có thể trở thành nguồn cảm hứng cho người mà bạn từng hướng dẫn để họ có thể làm điều tương tự với người khác.
11. Trở thành người hướng dẫn giúp mang lại cơ hội để đánh giá bản thân
Hoạt động định hướng cho phép bạn suy nghĩ và chia sẻ về những kinh nghiệm của mình. Trong khi đánh giá những trải nghiệm tích cực và tiêu cực của bản thân, bạn có thể khám phá ra những bài học có lợi cho cả bạn và người được bạn hướng dẫn.
Trở thành một người hướng dẫn cũng có thể nhắc nhở bạn về những gì tạo cảm hứng hoặc làm cho bạn thích thú trong sự nghiệp, điều này có thể giúp bạn cảm thấy gắn bó hơn trong công việc. Hoặc, nếu bạn nhận ra mình không hài lòng về một điều gì đó, bạn có thể nghĩ về những cách để cải thiện nó.
12. Trở thành người hướng dẫn có thể giúp cũng cố tổ chức của bạn
Khi tham gia vào chương trình định hướng của công ty, bạn sử dụng kiến thức và kinh nghiệm của mình để giúp củng cố năng lực của đồng nghiệp. Khi những nhân viên này hiểu được những kỳ vọng về vai trò của họ cũng như hình thành được các thói quen làm việc tích cực, điều đó có thể giúp họ làm việc hiệu quả và năng suất hơn. Bên cạnh kết quả kinh doanh tốt, những kỹ năng này còn có thể phát triển một nền văn hóa tích cực và sự cộng tác hiệu quả hơn trong tập thể công ty.
Điều này cũng đúng với các tổ chức khác mà bạn tham gia, ví dụ như cộng đồng những người làm ngành cảnh quan trên Diễn đàn này.
Bạn nghĩ sao về bài viết này? Hãy để lại phản hồi của mình bên dưới hoặc chia sẻ bài viết với những đồng nghiệp của mình nhé. Nếu bạn quyết định trở thành một người hướng dẫn, bạn có thể bắt đầu từ trên Diễn đàn này, tham khảo thêm về tài khoản Mentor dành cho chuyên gia và các giảng viên đào tào để có thể biết thêm chi tiết.