Nguy cơ thông tin trong tiếng Anh được gọi là "Information Hazard" hoặc "Infohazard", là một thuật ngữ được nhà triết học Nick Bostrom đưa ra vào năm 2011. Bài viết này sẽ giải thích một số khái niệm cơ bản của Nguy cơ thông tin và những điều bạn cần lưu ý khi chia sẻ thông tin trên Diễn đàn nhằm tránh những vấn đề có thể phát sinh liên quan đến khái niệm này.
Nguy cơ thông tin là gì?
Theo bài viết Nguy cơ thông tin: một dạng tác hại tiềm tàng của kiến thức của Nick Bostrom, nguy cơ thông tin là "những rủi ro phát sinh do việc phổ biến những thông tin (đúng sự thật) có thể gây hại hoặc tạo điều kiện để các tác nhân khác gây hại bằng việc sử dụng các thông tin đó".
Ông nhấn mạnh rằng, khái niệm này cho thấy những thông tin đúng có thể gây hại như thế nào, chứ không phải là các thông tin sai - vốn dĩ là điều hiển nhiên.
Những ví dụ sau đây được đưa ra để bạn có thể hình dung thêm về tính nghiêm trọng mà việc phổ biến một thông tin đúng có thể gây hại ra sao:
- Tiết lộ thông tin của một nhân viên an ninh đang hoạt động ngầm.
- Hướng dẫn cách chế tạo bom hoặc đột nhập vào các khu an ninh được bảo vệ.
Nick Bostrom đưa ra rất nhiều dạng của nguy cơ thông tin, dưới đây là một số dạng mà bạn có thể quan tâm dựa trên cách thức mà chúng được dùng để truyền đạt.
Nguy cơ về dữ liệu: Những dữ liệu cụ thể nếu được phổ biến sẽ gây ra các mối nguy hiểm. Ví dụ: bản đồ di truyền của mầm bệnh gây chết người; hoặc bản vẽ thiết kế chi tiết của vũ khí nhiệt hạch.
Nguy cơ về ý tưởng: Những ý tưởng chung chung, nếu được truyền bá có thể trở thành nguy hiểm kể cả khi không có các dữ liệu cụ thể.
Ví dụ như ý tưởng nuôi cấy vi khuẩn trong một môi trường tăng trưởng với một gradient kháng sinh để phát triển tính kháng kháng sinh của mầm bệnh có thể là tất cả những gì mà một nhà phát triển mong muốn, với các trang bị phù hợp và kiến thức chuyên môn, họ có thể tìm ra các số liệu chi tiết khác.
Nguy cơ gây chú ý: Việc thu hút sự chú ý mạnh mẽ đến các ý tưởng hoặc dữ liệu cụ thể hoặc liên quan có thể gây ra các nguy cơ, kể cả khi các ý tưởng hay dữ liệu này đã được biết đến trước đó.
Bởi vì có vô số con đường để gây hại, những người ác ý cần phải tìm kiếm nhiều thông tin để tìm ra con đường gây hại tốt nhất. Việc quá tập trung chia sẻ về một vấn đề có thể tạo thuận lợi cho họ để tìm kiếm thông tin dễ dàng hơn.
Sẽ là sai lầm nếu nghĩ rằng một ý tưởng đã được chia sẻ thì sẽ không có vấn đề gì nếu đề cập thêm về nó. Việc đào sâu vào một ý tưởng có thể thu hút sự chú ý của những kẻ ác ý. Và việc cố gắng ngăn cản những thảo luận như thế một cách vụng về còn gây phản tác dụng hơn, vì điều đó giúp những người có ý đồ xấu nhận ra đó là một ý tưởng có giá trị.
Ngoài ra, bên cạnh việc chia sẻ các dữ liệu, ý tưởng hay sự chú ý, cũng có các dạng thông tin tiềm ẩn khác như quy trình làm việc hay cơ cấu tổ chức có thể giúp một công ty có nhiều lợi thế hơn so với công ty khác, và chúng có thể bị bắt chước hoặc nhân rộng bởi đối thủ cạnh tranh.
Tương tự, mọi người có xu hướng học hỏi và hình thành nhân cách cá nhân thông qua việc "mô phỏng" lại những người khác. Việc đó đôi khi được thực hiện một cách không chủ đích, bản thân người đó không nhận thức được việc mình đang bắt chước lại.
Những minh họa trên dẫn đến một mối nguy cơ thông tin thứ 4 chính là nguy cơ về hình mẫu, khi một hình mẫu không tốt được phổ biến cũng có thể gây ra các rủi ro.
Nếu muốn tìm hiểu chuyên sâu hơn về các nhóm nguy cơ khác, bạn có thể đọc bài viết Nguy cơ thông tin: một dạng tác hại tiềm tàng của kiến thức bằng tiếng Anh trên trang web của Nick Bostrom.
Những lưu ý khi chia sẻ trên Diễn đàn
Chúng tôi cho rằng bạn nên xem xét các rủi ro mà mình có thể tạo ra thông qua việc chia sẻ thông tin (đúng sự thật). Những tác hại từ các nguy cơ thông tin như vậy đôi khi có thể rất đáng kể và điều này đặc biệt áp dụng cho những người thường nghiên cứu hoặc có quan tâm về công nghệ và quản lý các rủi ro.
Nhằm hạn chế việc tạo ra các nguy cơ thông tin có thể gây hại cho cá nhân hay tổ chức, làm suy yếu thị trường và các chính sách xã hội liên quan đến ngành cảnh quan cũng như các lao động trong ngành, bạn nên cân nhắc đến những tác hại tiềm tàng mà nội dung mình chia sẻ có thể mang đến.
Tuy nhiên, việc liên tục lo lắng về các nguy cơ thông tin là không cần thiết và có thể làm tê liệt việc chia sẻ thông tin trên Diễn đàn. Do đó, chúng tôi đưa ra một số gợi ý để giúp bạn nhanh chóng xác định xem, trong tình huống nhất định, những thông tin được chia sẻ có phải là một mối nguy cơ thông tin hay không và nên làm gì với chúng:
Xác định xem thông tin mà bạn chia sẻ có liên quan đến các vấn đề công nghệ hoặc quản lý rủi ro hay không? Nếu không có liên quan đến 2 vấn đề này, bạn không cần quan tâm đến các nguy cơ thông tin.
Nếu thông tin bạn chia sẻ liên quan đến công nghệ hoặc quản lý rủi ro, bạn cần đánh giá tác động mà thông tin mang lại. Nếu chúng tạo ra tác động nhỏ, đừng lo lắng về các nguy cơ thông tin và cứ tiếp tục chia sẻ hoặc phát triển nội dung đó. Việc đánh giá tác động có thể dựa trên các thiệt hại về tài chính mà thông tin đó gây ra hoặc các nguồn lực cần thiết để khắc phục những hậu quả mà nó mang lại.
Nếu chúng tạo ra các tác động lớn, cần đánh giá về mức độ phổ biến của thông tin. Mức độ phổ biến được hiểu là số người đã phát triển hoặc đã được biết về thông tin này (hoặc thông tin tương tự). Điều này phản ánh qua việc cần có bao nhiêu kiến thức chuyên môn để có được thông tin, mức độ phản trực giác của thông tin, động cơ để chia sẻ và phát triển thông tin...
Nếu mức độ phổ biến của thông tin là cao, tương đương với việc đây là một thông tin đã được biết đến rộng rãi, bạn không cần quan tâm đến việc chúng có thể tạo ra một nguy cơ thông tin hay không. Thay vào đó, bạn cần kiểm soát nội dung để tránh chia sẻ về các vấn đề liên quan đến việc triển khai nhằm giảm thiểu các rủi ro mà chúng mang lại.
Ví dụ: việc sử dụng 2.4D để diệt cỏ đã bị cấm nhưng vẫn có nhiều người khuyên sử dụng chúng trong việc bảo trì cảnh quan, do đó, bạn cần tránh việc chia sẻ các thông tin về nơi cung cấp loại thuốc này, liều lượng cũng như cách thức sử dụng chúng.
Nếu mức độ phổ biến của thông tin là thấp, tương đương với việc đây là một thông tin ít được biết đến, bạn cần xem xét thông tin mình chia sẻ như là một nguy cơ thông tin và cần áp dụng các hành động nhằm ngăn chặn việc phát triển hoặc tiếp tục lan truyền thông tin đó.
Ví dụ: Bạn phát hiện ra một lỗi của hệ thống tưới thông minh khiến kẻ gian có thể thông qua đó truy cập vào mạng máy tính nội bộ của khách hàng, bạn nên thông báo lỗi đó với nhà cung cấp sản phẩm thay vì chia sẻ thông tin này rộng rãi trên Diễn đàn dưới bất kỳ hình thức nào.
Một số ví dụ khác về nguy cơ thông tin mà bạn có thể cân nhắc để chia sẻ có liên quan đến ngành Cảnh quan như:
Việc thay đổi chức năng và kết cấu của thiết bị sai khác với thiết kế ban đầu của nhà sản xuất.
Việc phối trộn hóa chất không theo khuyến cáo của nhà sản xuất (phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, chất tẩy rửa...)
Việc sử dụng chất cấm hoặc áp dụng các thực hành thiếu an toàn gây ảnh hưởng đến sức khỏe của cá nhân và cộng đồng, gây ô nhiễm môi trường.
Các thực hành mang tính chất đối phó hoặc để đạt được các lợi ích trước mắt mà không suy xét đến ảnh hưởng lâu dài trong tương lai.
Khai thác các lỗ hổng, các lỗi của hệ thống.
Né tránh hoặc vi phạm các quy định và chính sách của các cơ quan công quyền, của đơn vị tuyển dụng, hoặc xâm phạm các quyền hợp pháp của cá nhân.
Bạn nghĩ sao về bài viết này? Để lại phản hồi của mình ở bên dưới về những vấn đề bạn chưa rõ hoặc để đóng góp thêm cho nội dung nhé. Mình hy vọng với sự hỗ trợ của bạn, Diễn đàn sẽ thực sự trở thành một nơi an toàn cho mọi người.