Chào mọi người hôm nay Mình xin chia sẽ góc nhìn cá nhân của mình khi chọn bảo dưỡng và phát triển hệ cảnh quan theo hướng tự nhiên.
Sau nhiều lần thay đổi công việc, mình cũng may mắn tìm được vị trí công việc tại một khu nghỉ dưỡng ở Phú Yên, Khu nghỉ dưỡng nơi mình đang làm, yêu cầu việc canh tác và chăm sóc cây theo hướng tự nhiên, hữu cơ và nguyên thủy.
Mình đi đến lợi ích mình nhận thấy khi đi theo mô hình này: Với diện tích khu nghỉ dưỡng lên đến 100 Ha, tuy nhiên mình chỉ cần 2 nhân viên tưới nước(tưới tay) và đang hướng đến không tưới hoàn toàn, các công việc chăm sóc khác cũng gần như là tối thiểu. Tổng nhân sự chưa đến 14 người mà trong đó chủ yếu là vệ sinh, phát quang các tuyến đường, lối đi, bãi biển, các khu đất trống và chăm sóc cây trên một khu đất nông nghiệp khoảng 2 Ha.
Tuy nhiên với cảnh quan như vậy và lượng nhân sự hiện có. Một số vấn đề mình đang chấp nhận: tỷ lệ cây chết hàng năm cao, côn trùng, rắn, mối mọt, muỗi, ong…, cảnh quan nhìn sẽ không xanh mướt và trật tự, đặc biệt mùa khô, mọi thứ nhìn như bị bỏ hoang. Tuy nhiên nó đem đến cái nhìn tự nhiên và không công nghiệp, hầu như ở mỗi góc sẽ có một cái nhìn hoàn toàn khác và thay đổi liên tục. Một điều nữa là đa phần diện tích tự nhiên được giữ lại nên hầu như quanh năm đều có các loại hoa khác nhau trong khu nghỉ dưỡng.
Một điều may mắn của mình khi làm việc tại đây là chủ khu nghỉ dưỡng và các quản lý hiểu câu chuyện cảnh quan và cũng như định hướng cả khách hàng về giá trị mà khu nghỉ dưỡng theo đuổi.
Cảnh quan tự nhiên mình đang theo đuổi nó như thế nào.
Kim chỉ nam mình đưa ra để phát triển cảnh quan ở đây là “ Diễn thế sinh thái”.
Diễn thế sinh thái (tiếng Anh là Ecological Succession) là quá trình biến đổi tuần tự của quần xã sinh vật qua các giai đoạn khác nhau, từ dạng (trạng thái) khởi đầu (hay tiên phong), được thay thế lần lượt qua các giai đoạn chuyển tiếp bởi các dạng quần xã tiếp theo và cuối cùng thường dẫn tới một quần xã tương đối ổn định hay trạng thái ổn định, tồn tại lâu dài theo thời gian. Đó là trạng thái đỉnh cực. (Theo Wiki).
Phương pháp mình áp dụng: Phương pháp Syntropic Agriculture của Ernst Gotsch kết hợp với phương pháp canh tác nông nghiệp tự nhiên theo cuốn sách “Cuộc cách mạng một cọng rơm” của Masanobu Fukuoka và mình tùy biến theo điều kiện mình có. May mắn của mình là không ai đi yêu cầu năng suất hết. Quan trọng là kể câu chuyện sao cho hay rồi nói với khách.
Mình đã làm những gì:
Tưới: tưới hạn chế và tưới sâu, phủ gốc giữ ẩm.
Cắt tỉa: khống chế tán, trồng mật độ cao, trồng cây đa tầng, tái sử dụng phụ phẩm cắt tỉa làm thảm phủ. Loại bỏ cây dây leo (chỉ vào mùa khô và cuối mùa mưa).
Giống: Ưu tiên các cây chịu hạn, sinh khối lớn làm cây bụi: cỏ vetiver, lau sậy, chành rành, ngũ trảo, các loại hoa và dây leo tự nhiên tại khu vực…, cây tầm trung: nho biển, tra hoa vàng, dứa gai, phong ba…, cây lớn lựa chọn các cây bản địa và cây trồng từ hạt: dương liễu, tràm nước, (keo và bạch đàn làm cây tiên phong) hướng tới thay thế bằng hệ cây rừng tự nhiên của địa phương.
Phân bón: không sử dụng. Chỉ dùng phân hữu cơ, phân vi sinh làm giá thể trồng rau.
Bảo vệ thực vật: không sử dụng. Loại bỏ cây bệnh, cây yếu và sử dụng thiên địch, bắt bằng tay.
Mình cũng chỉ mới bắt đầu vì vậy có anh em nào cùng chí hướng thì kết nối trao đổi tí kinh nghiệm nhé.