Vấn đề này có rất nhiều người quan tâm, cũng có nhiều bạn bè đã hỏi tôi như vậy, nên hôm nay tôi muốn chia sẻ với các bạn quan điểm của mình để chúng ta cùng thảo luận nhé.
Theo tôi, người ta sợ rắn trước tiên là do tâm lý. Rắn rất nguy hiểm vì chúng nhanh nhẹn, giỏi ẩn nấp, tấn công nhanh và chính xác; nọc độc cao có thể gây chết người, hoại tử hay nhẹ hơn thì cũng rất đau nhức. Do đó, đa phần chúng ta tự nhiên sẽ sợ rắn. Nhưng rắn có vai trò rất quan trọng trong hệ sinh thái, có giá trị rất cao đối với y học truyền thống và hiện đại và không phải loài rắn nào cũng nguy hiểm. Những loài như Hổ hành hay Bông súng chúng không có độc và rất hiền, tôi chưa thấy chúng cắn ai cả. Vậy để phòng tránh rắn chúng ta cần làm gì?
Tìm hiểu về rắn
Tôi nghĩ, để phòng tránh rắn, trước tiên chúng ta nên tìm hiểu về rắn. Tìm hiểu về môi trường sống của chúng, các loại thức ăn của chúng, tập tính, và nhất là nhận diện được các loài rắn độc và không độc thường gặp xung quanh mình. Khi đã biết tổng quan về rắn chúng ta sẽ bớt tâm lý sợ chúng hơn.
Học cách sơ cứu khi bị rắn cắn
Một lí do khác khiến chúng ta sợ rắn là khi bị rắn cắn chúng ta không biết đó là rắn lành hay rắn độc và xử lí như thế nào. Chính tâm lí lo sợ đó làm nọc độc của rắn di chuyển nhanh hơn. Cách xử lí khi bị rắn cắn các bạn có thể tham khảo phương pháp này:
Các này đơn giản và hiệu quả đấy. Mình đã áp dụng nó khi bị Lục đuôi đỏ cắn vài năm trước. Nhưng lưu ý là sơ cứu xong, các bạn nên nhanh chóng đến bệnh viện nhé.
Tập bắt rắn
Đây là góp ý thật lòng của mình, vì không có phương pháp nào hiệu quả tuyệt đối trong việc phòng ngừa rắn. Chúng có thể len vào nhà bạn qua một kẽ hở nhỏ, có thể chui vào một khúc ống nước cũ bỏ bên hông nhà, có thể leo lên cây rồi vào cửa sổ. Vì vậy nên tập bắt rắn nếu chúng có lỡ vào nhà bạn. Để bắt rắn an toàn mình thường dùng 1 khúc cây, cây có đầu dẹp càng tốt, đưa vào gần chỗ cổ rắn và đè chặt xuống, sau đó dùng ngón cái và ngón trỏ cầm chặt cổ rắn, nơi tiếp giáp giữa cổ và đầu. Sau đó thả đi nếu là rắn lành, nếu là rắn độc (nhất là Lục đuôi đỏ) thì phải giết. Đầu của rắn độc nên đốt đi hay bỏ vào một chai nhựa đậy nắp kỹ trước khi đem bỏ.
Dọn dẹp thông thoáng, hạn chế các chỗ ẩn nấp của rắn xung quanh nhà
Đây là biện pháp để hạn chế khả năng rắn xuất hiện và giúp chúng ta có tầm quan sát tốt hơn. Hoa cỏ, cây xanh gần nhà nên được cắt tỉa gọn gàng thông thoáng.
Kiểm tra định kỳ sân vườn và bắt rắn ban đêm
Đây là kinh nghiệm xử lí rắn mà tôi cho là hiệu quả. Lúc trước vườn nhà tôi rậm rạp, tôi lại thích các động vật hoang dã nên không giết hại chúng. Nhưng khi đó Lục đuôi đỏ lại phát triển mạnh, buộc phải xử lí. Tôi nói kỹ về loài này vì chúng nguy hiểm: chúng có nọc độc, dạn người, hay ở gần đất và có màu xanh lẫn khuất với các thảm cỏ. Nhưng khuyết điểm của chúng là thường bò ra ban đêm, lầm lì kém di chuyển. Chúng hay ở xung quanh nhà, nhất là rắn nhỏ (tôi nghĩ chúng theo nguồn thức ăn là thằn lằn xung quanh nhà).
Khi đi kiểm tra bắt rắn các bạn nên đi 2 người, cần mang ủng dài, quần dài, áo tay dài, mang bao tay, đầu đội nón. Dụng cụ mang theo là 1 cây kẹp gắp nước đá, loại có các răng nhọn; 1 khúc cây dài khoảng 60 cm có đầu dẹp và 1 bao nhỏ đựng rắn. Lục đuôi đỏ thường ở sát đất hay ở độ cao 1m trở xuống; đối với rắn nhỏ thì dùng kẹp gắp đá gắp vào đầu hay chỗ tiếp giáp đầu và cổ; đối với rắn lớn thì dùng cây ghì chặt đầu rồi bắt. Nói chung, đối với Lục đuôi đỏ thì đi bắt ban đêm là giải pháp rất hiệu quả.
Tôi có vài ý như vậy để chia sẻ với các bạn về vấn đề xử lí rắn thôi. Mong được giao lưu và học hỏi nhiều hơn từ các bạn!