Cám ơn anh đã chia sẻ. Bài viết đưa ra một góc nhìn nhấn mạnh vào việc ưu tiên trồng cây có rễ cọc và cây có kích thước nhỏ phù hợp với vỉa hè chật hẹp. Mình cho rằng ý kiến này không sai, nhưng chưa đủ. Điều quan trọng khi áp dụng phương pháp này là phải trồng cây khi cây còn nhỏ (với bộ rễ cọc chưa bị cắt xén) thay vì trồng cây lớn để đạt kết quả che phủ ngay.
Tuy nhiên, kể cả khi thay thế cây đường phố bằng cây có rễ cọc, thì kết quả vẫn không hoàn toàn khả thi vì thiếu yếu tố đồng bộ trong thiết kế tổng thể. Lý do mình nói như vậy vì vỉa hè ở Việt Nam đa số không chỉ để trồng cây mà còn được bố trí hệ thống ngầm bên dưới cho thoát nước, điện chiếu sáng, dây tín hiệu... Chúng là nguyên nhân giới hạn sự phát triển của rễ, ngay cả khi chúng được bố trí trước khi trồng cây.
Cây phát triển trong tự nhiên hầu như không ngã do bão, là do chúng có không gian để phát triển bộ rễ theo chiều ngang tương ứng với kích thước tán, tạo thành một "bộ đế" vững chãi. Còn cây đường phố thì không gian để rễ cây phát triển gần như không đủ để tương xứng với tán cây.
Để lấy ví dụ, theo quyết định số 1762 của Sở Giao thông Vận tải TP. HCM ký ngày 28/6/2009, thì đối với vỉa hè 3m, hố trồng cây cho cây có đường kính gốc lớn đến 40cm là 1mx1m. Liệu như thế đã đủ?
Bạn có thể cho rằng rễ cây có thể phát triển bên dưới phần đá lát đường, thực tế điều này là bất khả thi với phương pháp thi công hiện tại ở Việt Nam. Mặc dù không có tiêu chuẩn cụ thể cho việc thi công vỉa hè, hầu hết các đơn vị thi công sẽ áp dụng TCVN 4054:2005 (Yêu cầu thiết kế cho đường ô tô) để lu lèn lớp đất nền đạt độ nén tối thiểu K98, sau đó là lớp cấp phối với độ nén K95 trước khi tiến hành lát gạch. Hố trồng cây thường chỉ được đào sau khi hoàn tất việc lu lèn. Và với nhiều lớp đất, đá nén chặt bao quanh như vậy, rễ cây khó có khả năng để phát triển ra ngoài, chưa kể đến hệ thống hạ tầng như đã nói ở trên.
Cũng cần nhắc lại rằng, kể cả đối với cây rễ cọc thì đến 80% số lượng rễ của cây chỉ phát triển ở độ sâu từ 50cm trở lên, chứ không phải tất cả rễ đều đâm sâu xuống dưới.
Giải pháp theo mình là ngoài việc lựa chọn loại cây phù hợp, cần thay đổi thiết kế đối với hệ thống hạ tầng nhằm tăng cường không gian phát triển cho rễ cây, kết hợp sử dụng phương pháp và vật liệu thi công mới như việc nghiên cứu hệ thống thoát nước mưa theo phương pháp tự thấm hoặc sử dụng khối nhựa để làm nền nhằm hạn chế việc lu nén như minh họa dưới đây. Đây mới gọi là giải quyết phần gốc rễ theo đúng nghĩa đen.
