
Sau những trận mưa đầu mùa, nấm bắt đầu xuất hiện rải rác trong khu vườn của bạn. Chúng cũng có mặt gần như quanh năm ở những nơi ẩm thấp ít được ánh mặt trời chiếu đến. Có thể bạn sẽ thấy lo lắng một chút về chúng hoặc muốn tiêu diệt chúng ngay. Nhưng để mình chia sẻ với bạn vì sao nấm lại là yếu tố cần thiết trong hệ sinh thái cảnh quan, và khi đó có thể bạn sẽ suy nghĩ lại đấy.
Có rất nhiều loại nấm hiện diện trong một khu vườn, nhiều người không thích chúng vì một số chúng có mùi hôi khó chịu, một số người lo lắng vì vật nuôi của họ có thể bị ngộ độc khi ăn phải nấm, cũng có người lo lắng nấm sẽ làm hỏng bãi cỏ hay vườn cây của họ.
Tìm hiểu một chút về nấm, bạn sẽ biết rằng, phần "cây nấm" mà mọi người thường nhìn thấy thực ra là phần quả thể của nấm, là nơi nó phát sinh ra các bào tử nấm để hình thành nên những cây nấm mới, giống như là hạt giống của cây vậy. Quả thể nấm mọc ra từ thân nấm, vốn là những "sợi" rất nhỏ mà mắt thường khó nhìn thấy. Quả thể nấm chỉ mọc ra khi điều kiện thời tiết thuận lợi, và với những loài nấm phổ biến ở trong sân vườn thì chúng thường là không có độc. Tuy nhiên, trừ khi bạn có thể phân biệt chính xác các loại nấm, mình cũng không khuyến khích bạn thử ăn chúng hay cho vật nuôi của bạn ăn. Dù sao thì, đối với nấm mọc trong vườn, thú nuôi của bạn có thể sẽ thử kiểm tra chúng, nhưng chúng thường sẽ không ăn đâu.

Nấm xuất hiện ở những nơi được tưới ẩm thường xuyên, hoặc sau những trận mưa đầu mùa. Nếu nấm xuất hiện nhiều trong khu vườn, đó là dấu hiệu đất trồng của bạn rất tốt với nhiều thành phần hữu cơ. Bởi lẽ nấm phát triển bằng cách sử dụng năng lượng từ việc phân hủy các thân rễ mục nát của cây, lá khô, vụn cỏ, hay các thành phần hữu cơ đã chết khác có trong khu vườn. Nói một cách khác, chúng hỗ trợ quá trình xử lý rác thải hữu cơ thành dinh dưỡng để cung cấp cho cây cối xung quanh. Và đó là lợi ích lớn nhất từ chúng.
Bên cạnh đó, một số loài nấm phát triển chằng chịt bên dưới mặt đất hình thành một mối quan hệ cộng sinh với rễ cây (mycorrhiza), làm tăng phần diện tích tiếp xúc của rễ và giúp mang đến rất nhiều lợi ích cho cây, bao gồm:
- Tăng khả năng hấp thụ nước và dinh dưỡng.
- Cải thiện khả năng chịu hạn, giảm tác động xấu của thời tiết bất lợi hoặc khi bứng chuyển cây.
- Giúp cân bằng hệ thống miễn dịch của cây, làm giảm khả năng bị nhiễm bệnh.
- Tăng tốc độ sinh trưởng của cây ở mọi giai đoạn phát triển.
Không chỉ mang lại lợi ích cho cây, nấm còn giúp cải thiện cơ cấu đất, làm tăng keo đất và khả năng dẫn nước cũng như ngăn chặn các bệnh phát sinh từ đất. Vì thế cho nên, nhiều loài nấm cộng sinh đang dần được sử dụng để cải tạo những khu đất bạc màu hoặc những nơi đất bị ô nhiễm.
Ngoài ra thì, nhiều loài nấm như Mộc nhĩ (Auricularia auricula-judae), Linh chi (Ganoderma lucidum)... là những loài có thể dùng để chế biến món ăn hay làm thuốc mà thỉnh thoảng bạn có thể sẽ bắt gặp chúng ở trong vườn.

Bạn không thể nào tránh được việc nấm phát sinh trong vườn của mình. Chúng đến từ nhiều nguồn, có thể là từ cây trồng mới, từ hạt cỏ, từ phân hữu cơ... nhưng đa số chúng đến nhờ gió. Bào tử nấm rất rất nhỏ và chúng có thể nương theo gió để bay đi rất xa. Ngay khi bạn đọc những dòng này thôi, bạn cũng có thể đang hít phải bào tử nấm trong không khí, trừ khi bạn đang ở trong một căn phòng kín vô trùng. Rất may là, trừ một số hiếm người bị dị ứng với chúng, thì bào tử nấm vô hại với sức khỏe của chúng ta.
Nếu bạn muốn hạn chế việc nấm phát triển, bạn có thể thực hiện bằng cách vệ sinh các rác thải hữu cơ trong vườn, kiểm soát chết chế độ tưới và loại bỏ sớm các quả thể nấm trước khi chúng kịp phát tán bào tử. Nhưng bạn sẽ không thể nào tiêu diệt chúng hoàn toàn, và bạn cũng không nên làm như thế, bởi chúng đóng góp một vai trò quan trọng trong hệ sinh thái của chúng ta.

Ngoại trừ những loài nấm có vẻ ngoài "thô tục" hoặc có mùi khó chịu, thì chúng rất thú vị để chúng ta quan sát. Vì vậy, hãy tận hưởng quá trình "tái chế" dinh dưỡng tự nhiên trong khu vườn của mình mỗi khi bạn nhìn thấy nấm nhé.