Bui-Nguyen-Hai-Dang Chào bạn, cám ơn bạn đã quan tâm đến nội dung của bài viết.
Khi nói đến tác dụng của nấm đối với cây cối, thực ra đây là một mối quan hệ cộng sinh có lợi cho cả đôi bên. Nấm cộng sinh với cây có 2 dạng chính là:
- Ectomycorrhizae: bao bọc bên ngoài rễ của cây, chỉ khoảng 10% họ thực vật có mối cộng sinh với loại nấm này.
- Endomycorrhizae: phát triển bên trong cây giữa các tế bào, trong đó Arbuscular mycorrhizae (AM) là phổ biến nhất chiếm 70%, và đây là loài quan trọng nhất trong hệ sinh thái trồng trọt.
Trong mối quan hệ này, cây xanh thông qua quá trình quang hợp sẽ tổng hợp đường để cung cấp cho nấm làm năng lượng sống, và nấm bảo vệ cây cũng như giúp cây hấp thụ nhiều dưỡng chất trong đất hơn.
Để làm rõ hơn thắc mắc của bạn về tác dụng của nấm cộng sinh đối với cây trồng, thì những tác dụng đó được mang lại do các đặc điểm của nấm, bao gồm:
- Kích thước nhỏ hơn nhiều so với rễ cây, khiến chúng có thể len lỏi tốt hơn trong đất, cũng như giúp hấp thụ tốt hơn các loại khoáng chất mà cây thường khó hấp thụ như kẽm, đồng, phốt pho...
- Chúng có khả năng phá vỡ các cấy trúc vật chất của đất, từ đó cải tạo cấu trúc đất cũng như giải phóng thêm dưỡng chất cho cây.
- Chiều dài lông hút của rễ (1-2mm) ngắn hơn rất nhiều so với nấm cộng sinh (có thể lên đến 15mm). Ngoài ra tốc độ phát triển của mạng nấm cũng nhanh hơn rất nhiều so với hệ rễ nên có thể giúp hấp thụ nước và dưỡng chất nhanh hơn trước khi hệ rễ phát triển đầy đủ.
- Nấm cộng sinh có khả năng chống lại các vi khuẩn và nấm bệnh gây hại khác, qua đó phần nào bảo vệ cây trồng từ khỏi sự xâm nhập của chúng thông qua các tổn thương vùng rễ (ví dụ: do bứng chuyển)
- Một số nghiên cứu chỉ ra rằng, thực vật có cộng sinh với AM có khả năng điều chỉnh ABA (acid abscisic) tốt và nhanh hơn với thực vật không có AM cộng sinh, qua đó giúp tăng cường khả năng hấp thụ nước ở rễ và giảm thoát hơi nước ở lá, làm cân bằng việc lưu dẫn nước trong cây trong thời gian hạn hán cũng như phục hồi sau hạn.
- Một khả năng khác của nấm cộng sinh là khả năng lan toả và kết nối các cây trong quần thể lại với nhau (cùng hoặc khác chủng loại), kể cả khi các cây ở cách xa nhau vài mét. Điều này giúp các cây có thể chia sẻ dinh dưỡng cho nhau.

Hình minh hoạ cho thấy sự khác nhau giữa hệ rễ có nấm cộng sinh và không có nấm cộng sinh.
Hi vọng những điều trên có thể giúp làm rõ hơn điều bạn thắc mắc.
Thân.