I. Đặt vấn đề
Trung Quốc là một trong những cái nôi của nền văn minh thế giới, nghệ thuật thiết kế vườn cảnh Trung Quốc đã có mấy nghìn năm lịch sử. Vườn cảnh đầu tiên được xây dựng ở Trung Quốc là vào cuối triều đại nhà Thương (1700 – 1027 TCN). Ban đầu khu vườn được thiết kế với mục đích săn bắn. Bắt đầu từ triều đại nhà Tùy (581 – 617) và qua triều đại nhà Đường (618 – 907), các khu vườn ngoài chức năng vui chơi, thưởng ngoạn thì các nghệ nhân thiết kế sân vườn đã chú trọng đến việc lồng ghép các chủ đề văn học và nghệ thuật thông qua các hình thức tiểu cảnh. Nghệ thuật thiết kế sân vườn Trung Quốc phát triển rực rỡ vào triều đại nhà Minh (1368 – 1644) và nhà Thanh (1636 – 1912) để lại cho hậu thế nhiều khu vườn nổi tiếng với giá trị nghệ thuật rất cao đã được đưa vào danh sách di sản văn hóa thế giới như Di Hòa Viên và các vườn cảnh ở Tô Châu.
Trong bối cảnh hiện nay khi xu hướng toàn cầu hóa đã diễn ra hết sức mạnh mẽ, sự khác biệt giữa văn hóa Phương Đông và Phương Tây, vấn đề hiệu ứng nhà kính, ô nhiễm môi trường cũng đưa tới những thách thức chưa từng có đối với ngành thiết kế cảnh quan. Để thích ứng với hoàn cảnh mới, ngành thiết kế cảnh quan ở Trung Quốc cũng có những bước phát triển mạnh mẽ, chủ yếu tập trung vào hai xu hướng đó là thiết kế đương đại gắn liền với văn hóa bản địa và thiết kế đương đại gắn liền với phát triển bền vững.

Đường dạo, cảnh quan mở dần theo hướng tiếp cận (Nguồn: www.duitang.com)
II. Các xu hướng trong thiết kế cảnh quan đương đại ở Trung Quốc
Bắt nguồn từ văn hóa bản địa, tái hiện truyền thống dưới góc nhìn thiết kế cảnh quan đương đại
Xuất phát từ sự mâu thuẫn giữa toàn cầu hóa và văn hóa bản địa, sự đối lập giữa việc phát triển đô thị và gìn giữ đặc trưng nơi chốn, tư tưởng thiết kế cần nhấn mạnh việc bắt nguồn và trải nghiệm địa điểm. Trong thời đại mà sự toàn cầu hóa tiếp tục phát triển, đe dọa lớn đến văn hóa khu vực và quốc gia, thì lý luận và thực tiễn của thiết kế bản địa có ý nghĩa quan trọng trong việc định hướng lý luận và thực tiễn của thiết kế nói chung.
Tư tưởng thiết kế chủ yếu xoay quanh những vấn đề sau:
- Mang văn hóa Trung Hoa thẩm thấu vào trong thiết kế;
- Nhất thể hóa kiến trúc và cảnh quan;
- Kế thừa và phát triển có chọn lọc văn hóa bản địa;
- Hoài cổ và quảng bá văn hóa bản địa;
- Tôn trọng và đề cao văn hóa tín ngưỡng;
- Theo đuổi chất thơ trong thiết kế.